Thứ sáu, 13/9/2024

Quản lý

Facebook

Skip Navigation Links
          THÔNG TIN > TIN KHOA HỌC

Đội ngũ nhà giáo là lực lượng quyết định chất lượng giáo dục của một quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều nghịch lý trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ giáo viên ở Việt Nam.

Nghịch lý 1: Vai trò lớn, nhưng vị thế thấp

Vai trò quyết định chất lượng giáo dục của đội ngũ giáo viên (GV) là điều hiển nhiên, tuy nhiên tiền lương thấp, không đủ đảm bảo đời sống đã hạ thấp vị thế nghề dạy học và vị thế của nhà giáo. Lá đơn xin ra khỏi ngành giáo dục của cô giáo trẻ Hoàng Kim Anh đăng trên báo Dân trí đã thu hút sự quan tâm của nhiều người trong và ngoài ngành giáo dục.

Đề tài khoa học cấp nhà nước "Các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng GV phổ thông" do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm đã đặt ra nhiều vấn đề nếu muốn nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Nhóm nghiên cứu khảo sát thu nhập của GV qua bảng lương cho thấy: Thu nhập bình quân từ lương và các phụ cấp theo lương trong khoảng từ 3-3,5 triệu đồng/tháng.

Tính theo năm công tác thì lương GV sau 13 năm từ 3-3,5 triệu đồng/tháng, sau 25 năm từ 4,1-4,7 triệu đồng/tháng. GV mới ra trường ở cả 3 cấp học nhận mức lương trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Với số lượng GV như hiện nay, chỉ khoảng 50% số GV các cấp có thâm niên dạy học từ 13 năm trở lên và được hưởng mức lương bình quân, 50% còn lại được hưởng dưới mức lương bình quân.

Từ đó cho thấy, thu nhập từ lương và phụ cấp theo lương cho GV phổ thông không đảm bảo đáp ứng nhu cầu cơ bản về đời sống của bản thân và gia đình họ, nhất là ở các vùng đô thị. Khoảng trên 40% không muốn làm nghề sư phạm nếu được chọn lại ngành nghề vì lương quá thấp.

Trong lần đổi mới căn bản và toàn diện lần này, vấn đề lương GV nếu không được giải quyết thỏa đáng thì dù chương trình và sách giáo khoa có hiện đại, ưu việt như của Phần Lan cũng sẽ thất bại.

PGS.TS Trần Trung Ninh - Tổ trưởng Tổ Phương pháp, Khoa Hóa trường ĐH Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: ntthnue.edu)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PGS.TS Trần Trung Ninh - Tổ trưởng Tổ Phương pháp,

Khoa Hóa trường ĐH Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: ntthnue.edu)


Nghịch lý 2: Đào tạo đơn môn, nhưng dạy học tích hợp

Việc đào tạo GV phổ thông của nước ta hiện nay là để dạy học đơn môn. Với mục đích điều tra thực trạng nhận thức của giảng viên về dạy học tích hợp, chúng tôi đã gửi phiếu điều tra đến 100 giảng viên khoa Hoá học, Vật lí, Sinh học của một số trường: ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Hà Nội 2, ĐHSP - Đại học Huế, ĐHSP - Đại học Thái Nguyên và ĐHSP TPHCM, đã thu về được 81 phiếu. Phiếu điều tra được thiết kế dựa vào chuẩn đầu ra các trường sư phạm, dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông với mục đích để biết được thực trạng đào tạo GV Dạy học tích hợp (DHTH) ở một số trường ĐHSP hiện nay. Các mức độ hiểu biết về DHTH tăng dần từ 1 - 4, các mức độ ứng với mỗi biểu hiện như sau: Mức 1. Chưa hiểu: 1 điểm; Mức 2. Chưa hiểu rõ: 2 điểm; Mức 3. Hiểu khá rõ: 3 điểm; Mức 4. hiểu rất rõ: 4 điểm.

Bảng kết quả khảo sát mức độ nhận thức về DHTH của giảng viên

TT

Hiểu biết các vấn đề ở các mức độ

Hoá học

Vật lí

Sinh học

1

Hiểu biết về khái niệm năng lực

2.81

2.50

2.84

2

Hiểu biết về một số năng lực chung (cốt lõi) của học sinh ở cấp học mà sinh viên của thầy, cô phụ trách

2.71

2.60

3,00

3

Hiểu biết về năng lực đặc thù của HS ở môn học mà sinh viên của thầy cô sẽ dạy học

2.67

2.90

3.11

4

Hiểu cách thức kiểm tra đánh giá HS theo năng lực

2.52

2.50

2.84

5

Hiểu các kĩ thuật kiểm tra đánh giá HS trên lớp theo mục đích đánh giá để phát triển học tập

2.57

2.30

2.68

6

Hiểu biết về phát triển chương trình nhà trường theo hướng tiếp cận năng lực

2.24

1.95

2.58

7

Hiểu biết về khái niệm DHTH

2.43

2.35

2.84

8

Hiểu biết DHTH là một phương thức dạy học phát triển năng lực

2.38

2.60

2.79

9

Hiểu lí do tại sao phải thực hiện DHTH

2.43

2.40

3,00

10

Hiểu biết cách thức thiết kế một số chủ đề DHTH để hình thành năng lực tương ứng ở HS

1.95

2.10

2.58

11

Hiểu biết về cách thức/kĩ thuật giúp thiết kế chương trình DHTH ngay từ chương trình hiện hành

1.95

1.85

2.47

12

Hiểu biết về các hình thức DHTH (đơn môn/đa môn/liên môn/xuyên môn)

2.00

2.05

2.63

13

Hiểu biết về cách thức phối hợp giữa các GV để dạy các chủ đề tích hợp có hiệu quả

2.05

2.10

2.47

14

Hiểu biết về cách đánh giá học sinh trong DHTH

2.05

1.85

2.42

15

Hiểu biết về việc ứng dụng CNTT&TT trong dạy học tích hợp

2.31

2.10

2.23

Đa phần giáo viên có hiểu biết không cao về DHTH về cách thức thiết kế một số chủ đề DHTH để hình thành năng lực tương ứng ở học sinh.

 

Qua bảng trên, cho thấy đa số giảng viên được điều tra có hiểu biết cao về năng lực đặc thù của HS ở môn học mà SV của họ sẽ dạy ở trường phổ thông (môn Hóa học: 2.81, môn Vật lý: 2.5, môn Sinh học: 2.84), hiểu lí do tại sao phải thực hiện DHTH nhưng lại có hiểu biết không cao về DHTH về cách thức thiết kế một số chủ đề DHTH để hình thành năng lực tương ứng ở HS (môn Hóa học: 1.95, môn Vật lý: 2.10, môn Sinh học: 2.58).

Có khá nhiều nghịch lý trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ giáo viên ở Việt Nam (ảnh minh họa)

Có khá nhiều nghịch lý trong đào tạo, bồi dưỡng

và sử dụng đội ngũ giáo viên ở Việt Nam (ảnh minh họa)


Bên cạnh đó, hiểu biết về các hình thức DHTH và cách đánh giá HS trong DHTH ở trường phổ thông và cách thức/kĩ thuật giúp thiết kế chương trình DHTH còn rất hạn chế (môn Hóa học: 2.05, môn Vật lý: 1.85, môn Sinh học: 2.42). Từ kết quả khảo sát cho thấy các giảng viên ở các trường ĐHSP rất quan tâm đến DHTH mặc dù đa số giảng viên chưa được tiếp cận nhiều với nội dung này. Như vậy, theo lộ trình đổi mới giáo dục, đến năm 2019 GV sẽ dạy môn học tích hợp Khoa học tự nhiên, tuy nhiên họ chỉ được đào tạo dạy học đơn môn.

Nghịch lý 3: Tích lũy văn bằng, chứng chỉ, nhưng không đạt được giáo dục thực chất

Nhà nước hàng năm dành một khoản tiền lớn để bồi dưỡng GV và cán bộ quản lý giáo dục. Tuy nhiên, do chưa có cơ quan kiểm định chất lượng GV một cách độc lập cho nên hiệu quả của công tác bồi dưỡng GV còn thấp. Cho đến nay, chưa có chuẩn nghề nghiệp mới cho GV phù hợp với định hướng đổi mới căn bản và toàn diện của giáo dục. GV tích lũy các văn bằng, chứng chỉ chủ yếu là để đối phó với các quy định của cơ quan chủ quản, mà ít có sự áp dụng vào thực tiễn dạy học.

Chỉ thị năm học 2017-2018 mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký ngày 8/8/2017 nêu rõ, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành các bộ chuẩn GV và cán bộ quản lý giáo dục áp dụng trong năm học này. Đó là cơ sở để các địa phương, các trường sư phạm thực hiện rà soát, quản lý, sắp xếp, đánh giá đội ngũ GV, cán bộ quản lý theo chuẩn.

Từ đó có biện pháp xử lý đối với các GV, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức. Tuy nhiên, việc có bộ chuẩn GV mới nếu không đi kèm với việc đánh giá chất lượng GV một cách khách quan, công bằng thì sẽ không có được sự ủng hộ của đội ngũ nhà giáo.

PGS.TS Trần Trung Ninh

(Khoa Hóa học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

(Theo http://dantri.com.vn)

 

TIN NỔI BẬT