Thứ ba, 16/4/2024

Quản lý

Facebook

Skip Navigation Links
          >

Nghị Quyết số 35/NQ-CP, ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về việc “Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020” giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng và công bố Bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương; định kỳ hàng năm khảo sát, đánh giá, xếp hạng và công khai kết quả trên Cổng thông tin điện tử của Bộ”.

Ngày 31 tháng 3 năm 2017 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra Quyết định số 435/QĐ-BKHĐ thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong Quyết định này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao:

- Tổng cục Thống kê chủ trì xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp đối với các Bộ, ngành. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã xây dựng kế hoạch triển khai Đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ. Sau khi thực hiện Đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ công bố Bộ chỉ số với đầy đủ các thông tin liên quan.

Hôm nay, Tổng cục Thống kê phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cục Đăng ký kinh doanh, Cục Phát triển doanh nghiệp tổ chức họp báo công bố kết quả tính toán sơ bộ một số chỉ tiêu đánh giá tình hình phát triển doanh nghiệp của các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

 

I. MỘT SỐ CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NĂM 2016

1.                Số doanh nghiệp đang hoạt động[1]

Tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động (không bao gồm các doanh nghiệp đã đăng ký, chưa đi vào hoạt động, các doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký) do ngành Thống kê điều tra, cập nhật vào thời điểm 31/12/2016 trên phạm vi cả nước là 477.808 doanh nghiệp, tăng 8% so với năm 2015.

Những tỉnh, TP có tốc độ phát triển doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm 31/12/2016 so với năm trước cao so với cả nước gồm: Đồng Nai tăng 24%; Bình Dương 19.3%; Bến Tre 15.9%; Kiên Giang 15.4%; Lào Cai 15.2%; Hậu Giang 14.1%; Bắc Giang 13.9%; Vĩnh Phúc 13.2%; Trà Vinh 12.6%; Hải Phòng và Long An cùng 11.5%…

Những tỉnh, TP có số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cả nước có tốc độ phát triển doanh nghiệp đang hoạt động năm 2016 so với 2015 như sau:  TP Hồ Chí Minh chiếm 33.6% số doanh nghiệp cả nước tăng 7.8%; Hà Nội chiếm 23.1% số doanh nghiệp cả nước tăng 6.5%; Đà Nẵng chiếm 2.68% số doanh nghiệp cả nước tăng 10.9%; Hải phòng chiếm 2.29% số doanh nghiệp cả nước tăng 11.5%;…

Những tỉnh, TP có tốc độ phát triển doanh nghiệp đang hoạt động năm 2016 giảm hoặc tăng thấp so với năm 2015 gồm: Lâm Đồng giảm 13.3%; Hưng Yên giảm 0.4%; Sơn La giảm 0.2%; Cà Mau tăng 0.2%; Tuyên Quang và Quảng Ngãi tăng 0.6%; Sóc Trăng tăng 1.1%; Cao Bằng tăng 1.8%; Điện Biên tăng 1.9%; Phú Yên tăng 2.8%; Yên Bái và Lạng Sơn tăng 2.9%; Hà Tĩnh tăng 3.2.

2.                Số doanh nghiệp thành lập mới

Số doanh nghiệp thành lập mới cả nước năm 2016 đạt kỷ lục với 110.100 doanh nghiệp, tăng 16.2% so với năm 2015. Những vùng có tốc độ tăng doanh nghiệp thành lập mới cao so với cả nước gồm: Trung du và miền núi phía Bắc tăng 20.2%, Đồng bằng sông Hồng tăng 18.3%, Đông Nam Bộ tăng 15.4%.

Những tỉnh, TP có tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 so với 2015 trên 25% gồm: Thái Nguyên tăng 37.9%, Đà Nẵng tăng 34.9%, Hải Phòng tăng 34%, Điện Biên tăng 33.8%, Hà Nam tăng 33.7%, Long An tăng 33.3%, Thừa Thiên Huế tăng 29.7%, Đồng Nai tăng 28.3%, Đồng Tháp tăng 28.1%, Quảng Nam tăng 27.3%, Hải Dương tăng 27.1%, Lạng Sơn tăng 25.4%, Hưng Yên tăng 25.2%.

Những tỉnh, TP có tốc độ thành lập doanh nghiệp mới năm 2016 giảm hoặc tăng thấp gồm: Hậu Giang giảm 21.7%, Phú Thọ giảm 17.8%, Bạc Liêu giảm 15.1%, Tuyên Quang giảm 14.7%, Cà Mau giảm 4.1%, Đắc Nông giảm 3.1%, Sơn La giảm 2.5%, Kon Tum giảm 1.4%, Quảng Trị giảm 0.4%, Vĩnh Long tăng 0.4%, Hà Tĩnh tăng 1.7%, Bến tre tăng 2%…

3.                Số doanh nghiệp ngừng hoạt động

Trong năm 2016, tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký trên phạm vi cả nước là 19.917 doanh nghiệp, tăng 27.3% so với năm 2015. Có 55 trên 63 số tỉnh, TP có số doanh nghiệp ngừng hoạt động năm 2016 tăng so với năm 2015, còn lại chỉ có 8 tỉnh, TP có số doanh nghiệp ngừng hoạt động giảm hoặc không tăng.

Những tỉnh, TP có số doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký tăng cao so với năm 2015 gồm: Sơn La tăng 246.2%, Thừa Thiên Huế tăng 167.9%, Hà Tĩnh và Bến tre cùng tăng 133.3%, Bạc Liêu tăng 109.1%, Sóc Trăng tăng 100%, Đà Nẵng tăng 84.4%, Trà Vinh tăng 78.9%, Tuyên Quang tăng 73.5%, Hà Giang tăng 72.4%, Đắk Nông tăng 66.7%, Thái Nguyên tăng 61.8%, Yên Bái tăng 58.8%, Bắc Giang tăng 57%, Ninh Thuận tăng 56.7%, Bình Thuận tăng 56.1%, Tây Ninh tăng 51.6%, An Giang tăng 50.6%,…

Những tỉnh, TP có số doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký giảm hoặc tăng thấp năm 2016 so với năm 2015 gồm: Hòa Bình giảm 41.6%, Lâm Đồng giảm 12.1%, Kiên Giang giảm 10.6%, Bình Phước giảm 9.5%, Hải Dương giảm 5%, Hậu Giang giảm 3.1%, Bình Định giảm 0.9%, Tiền Giang tăng 2.5%, Hà Nam tăng 2.7%,…

Tình hình biến động số doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký của các tỉnh, TP có số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cả nước năm 2016 so 2015 như sau: TP. Hồ Chí Minh tăng 26.1%, Hà Nội tăng 31.6%, Bình Dương 41.4%, Đồng Nai tăng 18.3%, Hải Phòng tăng 7.3%, Đà Nẵng tăng 84.4%,…

4.                Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Cả nước có 26.689 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2016 sau một thời gian ngừng hoạt động. Những tỉnh, TP có tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao trên 100% trong năm 2016 gồm: Bến Tre tăng 285.1%, Hậu Giang tăng 157.4%, Bình Dương tăng 131.8%, Thái Bình tăng 126.8%, Hà Tĩnh tăng 125%, Cà Mau tăng 119.1%, Thừa Thiên Huế tăng 108.2%.

5.                Số doanh nghiệp giải thể

Cả nước năm 2016 có 12.478 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể, tăng 31.8% so với năm 2015. Những tỉnh, TP có tốc độ giải thể doanh nghiệp năm 2016 cao gồm: Lâm Đồng 962 doanh nghiệp, tăng 688.5%, Hưng Yên  410 doanh nghiệp, tăng 540.6%, Bình Phước 229 doanh nghiệp, tăng 205.3%, Sơn La 67 doanh nghiệp, tăng 191.3%, Đồng Tháp 236 doanh nghiệp, tăng 187.8%, Nghệ An 74 doanh nghiệp, tăng 155.2%, Quảng Ngãi 285 doanh nghiệp, tăng 154.5%, Cao Bằng 33 doanh nghiệp, tăng 135.7%,… TP Hồ Chí Minh 3.923 doanh nghiệp, tăng 47.9%,…

 

II. MỘT SỐ CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP CÁC TỈNH, TP BÌNH QUÂN GIAI ĐOẠN 2000-2015[2]

1.                Số doanh nghiệp đang hoạt động

Tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động (không bao gồm các doanh nghiệp đã đăng ký, chưa đi vào hoạt động, các doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký) do ngành Thống kê điều tra, cập nhật vào thời điểm 31/12/2015 trên phạm vi cả nước là 442.485 doanh nghiệp, bình quân giai đoạn 2000-2015 mỗi năm tăng 17.6% (giai đoạn 2000-2010 tăng 21.8%/năm; giai đoạn 210-2015 tăng 9.6%/năm).

Những tỉnh, TP có tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp bình quân hàng năm cao nhất cả nước giai đoạn 2000-2015 gồm: Bắc Ninh tăng 24%, Hà Nội  chiếm 23.4% tổng số doanh nghiệp cả nước, tăng 23.4%, Hưng Yên tăng 22.7%, Hà Nam tăng 21.9%, TP. Hồ Chí Minh chiếm 33.7% tổng số số doanh nghiệp  cả nước, tăng 21.1%, Thanh Hóa tăng 20.3%, Bắc Giang tăng 20.1%, Vĩnh Phúc tăng 19.8%, Hà Tĩnh tăng 19.5%, Hải Dương tăng 19.3%,… Những tỉnh, TP có tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp bình quân hàng năm thấp giai đoạn 2000-2015 gồm: Bến Tre tăng 4.3%, Bạc Liêu tăng 4.7%, Tiền Giang tăng 6.6%, Đồng Tháp tăng 6.7%,… Những tỉnh, TP có tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp bình quân hàng năm tăng thấp giai đoạn 2000-2015 gồm: Bến Tre tăng 4,3%; Bạc Liêu tăng 4,7%; Tiền Giang tăng 6,6%; Đồng Tháp tăng 6,7%,…

 Tình hình phát triển số doanh nghiệp đang hoạt động bình quân giai đoạn 2000-2015 của một số tỉnh, TP có số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cả nước giai đoạn 2000-2015 như sau: TP. Hồ Chí Minh chiếm 33.7% số doanh nghiệp cả nước, tăng 21.1%/năm, Hà Nội chiếm 23.4% số doanh nghiệp cả nước, tăng 23.4%, Bình Dương chiếm 3%, tăng 18.7%, Đà Nẵng chiếm 2.6%, tăng 18.9%, Đồng Nai chiếm 2.1%, tăng 14%, Bà Rịa Vũng Tàu chiếm 1.5%, tăng 17%, Nghệ An chiếm 1.5%, tăng 18.8%, Thanh Hóa chiếm 1.31%, tăng 20.3%, Khánh Hòa chiếm 1.15%, tăng 12.6%, Cần Thơ chiếm 1.05%, tăng 12.5%,…

2.                Số lao động trong khu vực doanh nghiệp

Tổng số lao động đang làm việc trong khu vực doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2015 là 12,86 triệu người, bình quân giai đoạn 2000-2015 mỗi năm khu vực doanh nghiệp thu hút lao động tăng thêm 9.4% (giai đoạn 2000-2010 tăng 11.2%; giai đoạn 2010-2015 tăng 6.1%).

Những tỉnh, TP thu hút lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp tăng cao trong giai đoạn 2000-2015 gồm: Bắc Ninh tăng bình quân 19.8%/năm, Hưng Yên 17.9%, Bắc Giang 17%, Trà Vinh 16.9%, Hà Nam 16.1%, Vĩnh Phúc 15.1%, Long An 14.8%, Tây Ninh 14.4%, Ninh Bình 14.2%,…Những tỉnh, TP có tốc độ thu hút lao động trong khu vực doanh nghiệp thấp trong giai đoạn 2000-2015 gồm: Đắk Lắk tăng 2.7%/năm, Gia Lai 3.7%, Cao Bằng 3.8%, Yên Bái 4.2%, Lai Châu 4.8%,… Những tỉnh, TP thu hút lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp tăng thấp trong giai đoạn 2000-2015 gồm: Đak Lak tăng 2,7%; Gia Lai tăng 3,7%; Cao Bằng tăng 3,8%; Yên Bái tăng 4,4%; Lai Châu tăng 4,8%;…

3.                Vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh

Tổng vốn thu hút vào khu vực doanh nghiệp cả nước tại thời điểm 31/12/2015 đạt 23.656,7 nghìn tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2000-2015 mỗi năm khu vực doanh nghiệp thu hút tăng thêm 22.8% vốn cho sản xuất kinh doanh (SXKD) (giai đoạn 2000-2010 mỗi năm thu hút thêm 25.1%; giai đoạn 2010-2015 mỗi năm thu hút thêm 14%).

Những tỉnh, TP có tốc độ thu hút vốn cho SXKD tăng cao trong giai đoạn 2000-2015 gồm: Hà Tĩnh bình quân mỗi năm tăng thêm 43.4%, Bắc Ninh tăng 38.3%, Ninh Bình tăng 37%, Hưng Yên tăng 34.4%, Bắc Kạn tăng 33%, Bắc Giang tăng 32.7%, Lào Cai tăng 31.9%, Quảng Ngãi tăng 31.6%, Quảng Ninh tăng 30.5%, Hòa Bình tăng 29.9%, Kon Tum tăng 29.4%, Long An tăng 29.3%, Quảng Nam tăng 29.1%, Thái Bình tăng 28.9%,… Những tỉnh, TP có tốc độ thu hút vốn của khu vực doanh nghiệp tăng thấp hơn so với cả nước giai đoạn 2000-2015 gồm: Đắk Lắk tăng tăng 14.8%, Hà Nội tăng 16.8%, Bạc Liêu tăng 17.2%,…

4.                Doanh thu của khu vực doanh nghiệp

Năm 2015 tổng doanh thu theo giá hiện hành của khu vực doanh nghiệp đạt 14.949,2 nghìn tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2000-2015 mỗi năm tăng 21.6% (giai đoạn 2000-2010 tăng 25.3%/năm; giai đoạn 2010-2015 tăng 14.2%/năm). Cả nước có tới 40 tỉnh, TP có tốc độ tăng doanh thu bình quân hàng năm giai đoạn 2000-2015 đạt trên 20%, còn lại 23 tỉnh, TP có tốc độ tăng doanh thu bình quân từ trên 12% đến 20%. Giai đoạn 2000-2015 những tỉnh, TP có tốc độ tăng doanh thu bình quân hàng năm cao gồm: Bắc Ninh tăng 43.7%/năm, Thái Nguyên 37.9%, Ninh Bình 37.4%, Quảng Ngãi 32.6%, Quảng Nam 30%, Hà Tĩnh 29.9, Lào Cai 29.8%, Bình Dương và Bình Phước 29.2%, Hưng Yên 28%, Hà Nam 27.9%, Tây Ninh 27.7%, Hải Dương 27.6%...

5.               Lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp

Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2015 đạt 552.7 nghìn tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2000-2015 mỗi năm lợi nhuận toàn khu vực doanh nghiệp tăng 19% (thấp hơn mức tăng của vốn 22.8% và doanh thu 21.6%) (giai đoạn 2000-2010 tăng 24.1%; giai đoạn 2010-2015 tăng 7.5%). Giai đoạn 2000-2015 những tỉnh, TP có mức tăng lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp bình quân hàng năm cao trên 30%/năm gồm: Bắc Ninh, Bình Dương, Thái nguyên, Tuyên Quang, Quảng Bình;…

6.               Đóng góp vào ngân sách nhà nước của khối doanh nghiệp

Đóng góp cho ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp năm 2015 là 746.4 nghìn tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2000-2015 mỗi năm khu vực doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách nhà nước tăng 18.2%, thấp hơn mức tăng của vốn, doanh thu và lợi nhuận (giai đoạn 2000-2010 tăng 21.1%/năm; giai đoạn 2010-2015 tăng 11.6%/năm). Những tỉnh, TP có mức đóng góp cho ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp bình quân hàng năm giai đoạn 2000-2015 cao trên 30% gồm: Ninh Bình, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Sơn La, Hưng Yên.

 

(Theo http://gso.gov.vn)

 

TIN NỔI BẬT