Thứ sáu, 19/4/2024

Quản lý

Facebook

Skip Navigation Links
          >

Cuộc điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng hàng quý bao gồm trên 5300 doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra, đại diện cho toàn ngành xây dựng và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tỷ lệ doanh nghiệp trả lời trong kỳ điều tra quý II/2018 đạt gần 90%. Những thông tin chủ yếu thu thập từ các doanh nghiệp phản ánh xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng về các mặt: tổng quan hoạt động sản xuất kinh doanh ngành xây dựng; sử dụng các yếu tố đầu vào; sử dụng lao động; nhận định về hỗ trợ của hệ thống pháp luật/chính sách của Nhà nước; tiếp cận vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dưới đây là một số nhận định của khu vực doanh nghiệp ngành xây dựng về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II và dự báo quý III năm 2018:

1. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng

Có 60,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2018 so với quý I/2018 thuận lợi hơn và giữ ổn định (24,2% doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn và 36,4% doanh nghiệp đánh giá ổn định); có 38,6% doanh nghiệp cho rằng sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Dự báo quý III/2018 so với quý II/2018 có 57,3% doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn và ổn định (22,6% doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn và 34,7% doanh nghiệp ổn định); có 39,6% doanh nghiệp nhận định tình hình khó khăn hơn.

Xét theo hình thức sở hữu: Khu vực doanh nghiệp Nhà nước đánh giá tình hình khả quan hơn khi quý II/2018 có 53,1% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn và giữ ổn định so với quý I/2018 (20,4% thuận lợi hơn và 32,7% ổn định); dự báo quý III/2018 so với quý II/2018 tỷ lệ này là 60,2%, cao hơn mức bình quân chung toàn ngành. Các khu vực còn lại không lạc quan như khu vực doanh nghiệp Nhà nước khi tỷ lệ này giảm từ 61,1% quý II/2018 xuống 57,4% quý III/2018 ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và từ 57,7% xuống 56,1% khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (Khu vực doanh nghiệp FDI).

2. Chi phí sản xuất kinh doanh

2.1. Tổng chi phí cho hoạt động xây dựng

Trong quý II/2018 có 46,3% doanh nghiệp đánh giá tổng chi phí trên một đơn vị sản phẩm giữ ổn định và giảm so với quý I/2018 (29,0% doanh nghiệp ổn định và 17,3% doanh nghiệp dự báo giảm); có 53,7% doanh nghiệp đánh giá tổng chi phí sản xuất tăng. Dự báo tổng chi phí hoạt động xây dựng quý III/2018 khả quan hơn khi có 48,6% doanh nghiệp dự báo giữ ổn định và giảm so với quý II/2018, trong khi đó có 51,4% doanh nghiệp đánh giá tổng chi phí sản xuất tăng.

Theo hình thức sở hữu: có 57,4% doanh nghiệp thuộc khu vực FDI dự báo tổng chi phí trên một đơn vị sản phẩm xây dựng quý II/2018 so với quý I/2018 giữ ổn định và giảm (37,3% ổn định và 20,1% dự báo giảm); tiếp đến là khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước với 45,3% (28,2% ổn định và 17,1% dự báo giảm); thấp nhất là khu vực doanh nghiệp Nhà nước với 38,8% (23,5% ổn định và 15,3% dự báo giảm). Quý III/2018 so với quý II/2018 có 54,6% doanh nghiệp thuộc khu vực FDI dự báo tổng chi phí giữ ổn định và giảm cao nhất (36,7% doanh nghiệp ổn định và 17,9% doanh nghiệp giảm); khu vực ngoài Nhà nước với 31,4% doanh nghiệp giữ ổn định và 16,9% doanh nghiệp giảm; khu vực doanh nghiệp Nhà nước là 24,5% doanh nghiệp giữ ổn định và 11,2% doanh nghiệp dự báo giảm.

2.2. Chi phí nguyên, vật liệu

Trong quý II/2018, chi phí nguyên, vật liệu xây dựng trên một đơn vị sản phẩm trong tổng chi phí chiếm tỷ trọng cao nhất với 48,4%. Tỷ lệ chi phí nguyên, vật liệu có sự khác biệt khá lớn giữa doanh nghiệp thuộc các hình thức sở hữu khác nhau, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước có tỷ lệ cao nhất với 50,2%; tỷ lệ này của khu vực doanh nghiệp Nhà nước là 42,2%; tỷ lệ của khu vực doanh nghiệp FDI là 35,8%.

Trong quý II/2018 có 46,6% doanh nghiệp nhận định chi phí nguyên, vật liệu xây dựng trên một đơn vị sản phẩm không đổi hoặc giảm so với quý I/2018 (29,9% doanh nghiệp ổn định và 16,7% doanh nghiệp giảm); có 53,4% doanh nghiệp cho rằng chi phí nguyên, vật liệu tăng. Dự báo chi phí nguyên, vật liệu quý III/2018 so với quý II/2018 khả quan hơn với 48,8% doanh nghiệp nhận định chi phí nguyên, vật liệu giữ ổn định hoặc giảm (32,4% ổn định và 16,4% giảm), tỷ lệ doanh nghiệp tăng chi phí nguyên, vật liệu xây dựng là 51,2%.

Tỷ lệ chi phí nguyên, vật liệu có sự khác biệt đáng kể giữa các hình thức sở hữu. Quý II/2018 so với quý I/2018, khu vực doanh nghiệp FDI khả quan nhất với 61,8% doanh nghiệp cho rằng chi phí nguyên, vật liệu xây dựng giữ ổn định hoặc giảm (42,4% ổn định và 19,4% giảm); tỷ lệ này của khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 45,2% (28,6% ổn định và 16,6% giảm); khu vực doanh nghiệp Nhà nước có tỷ lệ thấp nhất là 38,8% (26,5% ổn định và 12,2% giảm). Dự báo quý III/2018 khu vực doanh nghiệp FDI tuy có xu hướng giảm so với quý II/2018 nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 57,5% doanh nghiệp giữ ổn định hoặc giảm (41,0% ổn định và 16,5% giảm); khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng nhẹ với tỷ lệ tương ứng là 48,2%; khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm nhẹ với tỷ lệ 37,8%.

2.3. Chi phí nhân công

Trong quý II/2018, chi phí nhân công chiếm 15% tổng chi phí của doanh nghiệp, trong đó, cao nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước với tỷ lệ chi phí nhân công là 15,8%, cao hơn mức bình quân chung toàn ngành; tiếp theo là khu vực doanh nghiệp Nhà nước với tỷ lệ là 13,8%; thấp nhất là khu vực doanh nghiệp FDI với tỷ lệ 9,4%. Chia theo ngành, tỷ lệ này cũng có sự khác biệt đáng kể, thấp nhất là ngành hoạt động xây dựng chuyên dụng với 12,9%; cao nhất là ngành xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng với tỷ lệ 17,4%; ngành xây dựng nhà các loại chiếm tỷ lệ 14%.

Trong quý II/2018, có 49,7% doanh nghiệp đánh giá chi phí nhân công trên một đơn vị sản phẩm giữ ổn định hoặc giảm so với quý I/2018 (33,5% ổn định và 16,2% giảm); 50,3% doanh nghiệp nhận định chi phí nhân công tăng. Dự báo trong quý III/2018, tình hình khả quan hơn khi có tới 54,3% doanh nghiệp giữ ổn định hoặc giảm so với quý II/2018 (37,4% ổn định và 17% giảm); Chỉ có 45,7% doanh nghiệp nhận định chi phí nhân công tăng.

Tỷ lệ chi phí nhân công cũng có sự khác biệt giữa các hình thức sở hữu, khả quan nhất là khu vực doanh nghiệp FDI với tỷ lệ 63,2% doanh nghiệp giữ ổn định hoặc giảm trong quý II/2018 so với quý I/2018 (43,6% ổn định và 19,6% giảm), cao hơn nhiều mức bình quân chung toàn ngành. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước với tỷ lệ 52,1% (37,8% ổn định và 14,3% giảm); thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước với tỷ lệ 48,2% (32,4% ổn định và 15,8% giảm). Dự báo quý III/2018, khu vực doanh nghiệp FDI vẫn duy trì tốt với 64% doanh nghiệp nhận định chi phí nhân công giữ ổn định hoặc giảm so với quý II/2018 (47,3% ổn định và 16,7% giảm). Khu vực doanh nghiệp Nhà nước và khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước có xu hướng đảo chiều khi tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm xuống 49%, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng lên 53,4%.

3. Sử dụng lao động

3.1. Sử dụng lao động chung

Trong quý II/2018 có 79,8% doanh nghiệp nhận định quy mô lao động giữ ổn định và tăng so với quý I/2018 (trong đó 54% ổn định và 25,7% tăng); chỉ có 20,3% doanh nghiệp nhận định lao động giảm. Dự báo quý III/2018, lao động sử dụng trong doanh nghiệp không biến động nhiều với 79,4% doanh nghiệp nhận định lao động giữ ổn định và tăng so với quý II/2018 (57% ổn định và 22,4% tăng); 20,6% doanh nghiệp nhận định lao động doanh nghiệp giảm.

Chia theo hình thức sở hữu: quý II/2018 so với quý I/2018, có 81,1% doanh nghiệp thuộc khu vực FDI nhận định lao động giữ ổn định hoặc tăng (61,5% ổn định và 19,6% tăng), cao hơn mức bình quân chung toàn ngành; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 79,7% và khu vực doanh nghiệp Nhà nước là 75,5%. Dự báo quý III/2018 so với quý II/2018, lao động sử dụng trong khu vực doanh nghiệp FDI khả quan nhất với 83,8% doanh nghiệp giữ ổn định và tăng (66,1% ổn định và 17,7% tăng); khu vực doanh nghiệp Nhà nước là 81,6% (57,1% ổn định và 24,5%  tăng);  khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 79% (56,1% ổn định và 22,9% tăng).

3.2. Sử dụng lao động thường xuyên

Trong quý II/2018, lao động thường xuyên chiếm 41,4% tổng số lao động sử dụng trong doanh nghiệp xây dựng. Tỷ lệ lao động thường xuyên có sự khác biệt đáng kể giữa các hình thức sở hữu.  Khu vực doanh nghiệp FDI và khu vực doanh nghiệp Nhà nước với đặc trưng hoạt động tương đối ổn định và quy mô doanh nghiệp tương đối lớn nên số lao động thường xuyên chiếm tỷ lệ cao, khu vực doanh nghiệp FDI là 74,2%; khu vực doanh nghiệp Nhà nước là 50,3%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 39,3%.

Trong quý II/2018 có 73,8% doanh nghiệp đánh giá lao động thường xuyên giữ ổn định so với quý I/2018; có 14,1% doanh nghiệp tăng và chỉ có 12,1% doanh nghiệp giảm. Dự báo quý III/2018 so với quý II/2018 có 75,2% doanh nghiệp nhận định lao động thường xuyên giữ ổn định; có 12% doanh nghiệp dự báo tăng và 12,9% doanh nghiệp dự báo giảm.

3.3. Sử dụng lao động thời vụ

Do đặc thù của hoạt động xây dựng, thường xuyên thay đổi địa điểm nên hoạt động của ngành xây dựng thường sử dụng nhiều lao động thời vụ tại các địa phương có công trình xây dựng đang thi công. Trong quý II/2018, lao động thời vụ chiếm 58,6% tổng số lao động sử dụng trong doanh nghiệp xây dựng. Tỷ lệ lao động thời vụ có sự chênh lệch lớn ở các hình thức sở hữu, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước sử dụng tới 60,7% lao động thời vụ; tỷ lệ này của khu vực doanh nghiệp Nhà nước là 49,7%; khu vực doanh nghiệp FDI là 25,8%. Việc sử dụng lao động thời vụ giữa các ngành cũng không đồng đều, ngành xây dựng nhà các loại sử dụng nhiều lao động thời vụ nhất với tỷ lệ 67,9%; ngành xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng là 53%; ngành hoạt động xây dựng chuyên dụng là 45,8%.

Trong quý II/2018 có 74,2% doanh nghiệp đánh giá lao động thời vụ giữ ổn định hoặc tăng so với quý I/2018 (trong đó 47,1% ổn định và 27,1% tăng); chỉ có 25,8% doanh nghiệp nhận định lao động thời vụ giảm. Dự báo quý III/2018 xu hướng sử dụng lao động thời vụ tăng nhẹ so với quý II/2018 lên 75,9% doanh nghiệp giữ ổn định và tăng (52,2% ổn định và 23,7% tăng); 24,1% doanh nghiệp nhận định giảm.

4. Hỗ trợ của hệ thống pháp luật/chính sách của Nhà nước

Quý II/2018 hỗ trợ của hệ thống pháp luật, chính sách của Nhà nước có xu hướng tốt dần lên so với quý I/2018. Trong quý I/2018 có 78,9% doanh nghiệp nhận định hỗ trợ của hệ thống pháp luật, chính sách của Nhà nước giữ ổn định và thuận lợi hơn quý IV/2017 (49,9% không thay đổi và 31% thuận lợi hơn). Sang quý II/2018 tỷ lệ này tăng lên 79,9% (53,5% không thay đổi và 26,4% thuận lợi hơn); chỉ có 15,8% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn quý I/2018.

Theo hình thức sở hữu: Trong quý II/2018 khu vực doanh nghiệp Nhà nước khả quan nhất với 80,6% doanh nghiệp nhận định giữ ổn định và thuận lợi hơn so với quý I/2018 (49% không thay đổi và 31,6% thuận lợi hơn); khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 80,3% doanh nghiệp giữ ổn định và thuận lợi hơn (53,8% không thay đổi và 26,5% thuận lợi hơn); khu vực doanh nghiệp FDI là 77,2% (52,3% không thay đổi và 24,9% thuận lợi hơn).

5. Tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh

Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát ở quý II/2018 có 69% doanh nghiệp vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh (quý I/2018 có 70,4% doanh nghiệp vay vốn), trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là khu vực vay vốn nhiều nhất với tỷ lệ 72,4%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 61,2%; khu vực doanh nghiệp FDI chủ động hơn về vốn khi chỉ có 39,8% doanh nghiệp vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Chia theo ngành, các doanh nghiệp xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng vay vốn nhiều nhất với tỷ lệ 73,4% doanh nghiệp; doanh nghiệp xây dựng nhà các loại là 69,2%; thấp nhất là doanh nghiệp hoạt động xây dựng chuyên dụng với 62,4%.

Trong số các doanh nghiệp có vay vốn ở quý II/2018, có 93% doanh nghiệp vay vốn từ hệ thống ngân hàng (quý I/2018 là 93,5%), chỉ có 7% doanh nghiệp vay vốn từ nguồn khác. Chia theo hình thức sở hữu, có 94,6% doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài Nhà nước vay vốn từ hệ thống ngân hàng; tỷ lệ này của khu vực doanh nghiệp Nhà nước là 88,3%; của khu vực doanh nghiệp FDI là 67%. Chia theo ngành, 95% doanh nghiệp xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng vay vốn ngân hàng; doanh nghiệp xây dựng nhà các loại là 92,9%; doanh nghiệp hoạt động xây dựng chuyên dụng là 89,7%.

Nhận định về tình hình vay vốn của ngân hàng cho hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2018, có 79,7% doanh nghiệp nhận định việc vay vốn ngân hàng giữ ổn định và thuận lợi hơn so với quý I/2018 (45,1% ổn định và 34,6% thuận lợi hơn); có 20,3% doanh nghiệp cho rằng vay vốn ngân hàng khó khăn hơn. Chia theo hình thức sở hữu, khu vực doanh nghiệp FDI khả quan nhất với 82,2% doanh nghiệp cho rằng không thay đổi hoặc thuận lợi hơn (55,1% không thay đổi và 27,1% thuận lợi hơn); khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 79,7% (44,6% không thay đổi và 35,1% thuận lợi hơn); khu vực doanh nghiệp Nhà nước là 73,6% (47,2% không thay đổi và 26,4% thuận lợi hơn).

Chi trả lãi tiền vay của doanh nghiệp quý II/2018 chiếm 1,3% tổng chi phí  hoạt động xây dựng. Trong đó, chi trả lãi tiền vay của khu vực doanh nghiệp FDI chiếm 0,3% tổng chi phí; khu vực doanh nghiệp Nhà nước là 0,7%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 1,5%, cao gấp 2 lần khu vực doanh nghiệp Nhà nước và gấp 5 lần khu vực doanh nghiệp FDI.

6. Đánh giá tổng quan

Có 60,6% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2018 so với quý I/2018 thuận lợi hơn và giữ ổn định; có 38,6% doanh nghiệp cho rằng sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Dự báo quý III/2018 so với quý II/2018 có 57,3% doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn và giữ ổn định; có 39,6% doanh nghiệp nhận định tình hình khó khăn hơn.

Chỉ số cân bằng về xu hướng sản xuất kinh doanh  quý II/2018 so với quý I/2018 là -14,4% (24,2% doanh nghiệp nhận định thuận lợi hơn, 38,6% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn). Chỉ số cân bằng quý III/2018 so với quý II/2018 có xu hướng giảm với -17% (22,6% doanh nghiệp nhận định thuận lợi hơn, 39,6% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn).

Chỉ số cân bằng về xu hướng sử dụng tổng chi phí quý II/2018 so với quý I/2018 là 36,4% (53,7% doanh nghiệp nhận định tăng và 17,3% doanh nghiệp nhận định giảm). Chỉ số cân bằng tổng chi phí quý III/2018 so với quý II/2018 có xu hướng giảm còn 34,5% (51,4% doanh nghiệp dự báo tăng và 16,9% doanh nghiệp dự báo giảm). Chỉ số cân bằng các chi phí thành phần gồm chi phí mua nguyên, vật liệu xây dựng và chi phí nhân công quý III/2018 so với quý II/2018 cũng có xu hướng giảm tương tự như tổng chi phí.

Chỉ số cân bằng về việc tăng và giảm quy mô lao động quý II/2018 so với quý I/2018 là 5,5% (25,7% doanh nghiệp nhận định tăng và 20,3% doanh nghiệp nhận dịnh giảm). Chỉ số cân bằng lao động quý III/2018 so với quý II/2018 có xu hướng giảm còn 1,8% (22,4% doanh nghiệp nhận định tăng và 20,6% doanh nghiệp nhận định giảm).

(Theo http://gso.gov.vn)

 

TIN NỔI BẬT